Tiki “bành trướng” bán hàng tươi sống ra Hà Nội, GrabMart cũng bắt đầu xuất hiện ở Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Lạt từ hôm nay (10/9).
Với việc mở thêm 3 thị trường mới là Đà Lạt (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế), GrabMart hiện có mặt tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Được triển khai tại Việt Nam từ khi Covid-19 xuất hiện vào tháng 3/2020, dịch vụ đi chợ hộ của nền tàng này đã bắt đúng nhu cầu được tạo ra bởi đại dịch.
Theo dữ liệu của Grab, khi TP HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ ngày 9/7 đến 22/7, tổng số lượng đơn hàng GrabMart tăng trưởng 3 con số, số lượng đối tác cửa hàng mới tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ tháng trước. Các mặt hàng được đặt mua nhiều nhất là thịt, mì ăn liền, bánh mì…
Tài xế giao hàng nhận đơn tại một tiệm bánh ở TP HCM hôm 9/9. Ảnh: Quỳnh Trần
Không chỉ Grab, nhiều nền tảng khác cũng nhộn nhịp mở rộng năng lực cung ứng hàng tươi sống, tạp hóa trực tuyến trong những tuần gần đây. Hôm 2/9, Tiki quyết định mở bán hàng tươi sống giao trong 3 giờ tại Hà Nội.
Trong khi đó, MoMo tỏ rõ tham vọng muốn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử C2C (khách hàng với khách hàng) bằng tính năng “có gì bán nấy” vận hành hôm 7/9. Tính năng này dễ dàng áp dụng cho hình thức đi chợ hộ, mua chung đang được các hộ gia đình trong các chung cư, cư dân các quận, huyện… ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Lý giải cho động thái trên, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo cho hay, tính năng mới được đội ngũ công nghệ triển khai trong thời gian rất ngắn với mong muốn đáp ứng nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch.
“Chúng tôi tin rằng hình thức mua bán giữa các cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ sẽ trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt tại các đô thị đông đúc. Công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện dần tính năng này và đẩy mạnh thành một sản phẩm chủ lực, dựa trên nền tảng thanh toán an toàn, tiện lợi sẵn có”, ông Diệp nói.
Phía Grab cho hay, quyết định mở rộng lúc này nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dùng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Đây cũng là cách giúp các đối tác cửa hàng duy trì và cải thiện hoạt động kinh doanh, đồng thời gia tăng cơ hội thu nhập cho các đối tác tài xế trong mùa dịch. “Mua sắm hàng hóa trực tuyến đang là lựa chọn của rất nhiều người tiêu dùng khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp”, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, đánh giá.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Quản lý sàn thương mại tại Tiki, bà Vũ Thị Nhật Linh cho biết, quyết định mở bán hàng tươi sống giao trong 3 giờ tại Hà Nội nhằm “đáp ứng nhu cầu mua sắm không ngừng tăng cao trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh”.
Bà cũng đặt kỳ vọng thị trường này sẽ đóng góp 30% vào tổng doanh thu của ngành thực phẩm tươi sống. Hãng đang có kế hoạch mở rộng ngành hàng này tại 2 thành phố khác ở phía Bắc.
Theo báo cáo Thương mại điện tử quý II do iPrice công bố, bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì sự tăng trưởng vững chắc và xuyên suốt từ đầu mùa dịch. Lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý vừa qua. Số lượt tìm kiếm tăng 11 lần trong tháng 7 so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6, khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai tại một số tỉnh, thành phố.
Ghi nhận nhanh của Lazada Việt Nam cho thấy, chỉ trong 2 giờ đầu tiên của ngày hội khuyến mại 9/9, nền tảng này đạt tổng doanh thu tăng hơn 2 lần, trong đó LazMall – hệ thống gian hàng chính hãng của Lazada tăng gấp 3 lần. Đáng chú ý, hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm như: thức ăn khô, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh; sữa và các chế phẩm từ sữa; nước xả vải…tiếp tục là top mặt hàng bán chạy nhất.
Nguồn: iPrice
Cũng theo khảo sát của iPrice, giá các mặt hàng tạp hóa ở Việt Nam thuộc top rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đơn vị này đặt ra một giỏ hàng tạp hóa gồm 19 món, được chia theo danh mục và cùng trọng lượng hoặc thể tích, như thực phẩm giàu tinh bột (bánh mì, gạo); trứng, sữa, phô mai; thịt (gà, bò); trái cây và rau củ; nước lọc; rượu, bia và thuốc lá. Sau khi thống kê giá, họ xác định khoản chi phí mua sắm các mặt hàng này tại Việt Nam khoảng 1,2 triệu đồng (54 USD), chỉ cao hơn Philippines.
Trong khi đó, Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng với chi phí 2,5 triệu đồng (110 USD), theo sau là Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
iPrice lưu ý thêm, nếu giỏ hàng này bỏ ra rượu, bia và thuốc lá, chi phí ước tính chỉ rơi vào khoảng 942.000 đồng (41 USD). “Điều này cho thấy, trong thời kỳ Covid-19, mua các sản phẩm để phục vụ nhu cầu sống cơ bản hàng ngày tại Việt Nam vẫn còn ‘dễ thở’ hơn so với các nước trong khu vực”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Nguồn: vnexpress.net