Nghị quyết vừa ban hành cho phép doanh nghiệp được tự test Covid-19, địa phương được tự quyết việc cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với nhiều điểm mới trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể.
Một trong số đó là doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tự test Covid-19, tự chịu trách nhiệm. Điều này, theo nhiều doanh nghiệp, mang nhiều ý nghĩa, góp phần giúp họ giảm gánh nặng chi phí cũng như áp lực phải tập trung xét nghiệm đông người. Theo yêu cầu của Nghị quyết, Bộ Y tế trong tháng 9 sẽ ra hướng dẫn họ mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, tự xét nghiệm và công nhận kết quả đó. Việc này để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì sản xuất.
Để người lao động sớm tham gia lưu thông vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế sẽ phải hướng dẫn cho các địa phương việc xét nghiệm, điều kiện cụ thể với những đối tượng này.
Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vaccine, Bộ Y tế được giao hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Địa phương được chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trở lại.
Các địa phương cũng phải phối hợp với doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn và phù hợp với điều kiện.
Công nhân tại Công ty TNHH giày Chin Luh (KCN Thuận Đạo, Bến Lức). Ảnh: Hoàng Nam
Để tránh hàng hoá bị tắc nghẽn, đứt gãy chuỗi cung ứng, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông và Vận tải hướng dẫn các địa phương thống nhất luồng xanh vận tải với nguyên tắc đơn giản hoá thủ tục; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép, đặc biệt với hàng hoá thiết yếu cho đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất.
Để tránh ách tắc khi thông quan, Tổng cục Hải quan sẽ cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số với các chứng từ phải nộp bản giấy dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực. Các giấy tờ này sẽ được nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.
Thay vì quá nhiều ứng dụng như hiện nay, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 9 xây dựng nền tảng công nghệ số tích hợp các hoạt động gồm tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh… Điều này nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ dân.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Các giải pháp theo đó tập trung vào miễn, giảm, giãn đóng bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn (trong năm 2021-2022); hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động từ kết dư bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn; xem xét lại giá cước vận tải biển, giảm giá điện, giãn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất, miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và 2021; cơ cấu thời hạn trả nợ ngân hàng, giảm lãi phí với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng…
Việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 va giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước… sẽ được Chính phủ xem xét.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, chuyên gia sang Việt Nam làm việc, các địa phương được Chính phủ yêu cầu linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về cấp, gia hạn xác nhận giấy phép, phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch.
Nguồn: vnexpress.net