Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp ốc vít, khuôn nhựa… để phát triển công nghiệp hỗ trợ, những thay đổi chính sách phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang được thiết kế lại do hậu quả đại dịch Covid-19…
Phát triển công nghiệp hỗ trợ được xác định là giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Dù đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo “đổ” về Việt Nam song ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp ốc vít, khuôn nhựa… cho các đối tác nước ngoài. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xác định là giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng đồng bộ, toàn diện và mang tính chiến lược. Xung quanh câu chuyện công nghiệp hỗ trợ, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thu Ngà, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam.
Bà Vũ Thu Ngà, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam.
Nếu công nghiệp hỗ trợ được coi là giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh thì hàng lang pháp lý được coi là giải pháp giúp công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”. Bà đánh giá như thế nào về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhất là trong 2 năm gần đây?
Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây có thể được xem là văn bản chính sách toàn diện đầu tiên về chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Gần đây, Nghị định 57/2021/NĐ-CP được ban hành giúp tháo gỡ vướng mắc về vấn đề ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thành lập trước năm 2015.
Nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghiệp hỗ trợ dần có hiệu ứng tích cực đến tâm lý và quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, qua đó góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Tuy nhiên, một số quy định vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định trong quá trình triển khai, đặt ra yêu cầu cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về đầu tư, thuế và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Động thái gần đây nhất là việc Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111 để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức và cá nhân, theo yêu cầu của Nghị quyết 115.
Điều này cho thấy Chính phủ đang nỗ lực tăng cường thúc đẩy sự phát triển của sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thông qua việc sửa đổi nhiều chính sách quan trọng mang tính chiến lược, toàn diện và đồng bộ.
Theo bà, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nên thay đổi theo hướng như thế nào để có thể giúp ngành này “cất cánh”?
Hiện Bộ Công thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111. Theo tôi, quá trình sửa đổi, bổ sung nghị định cần lưu ý tới 5 vấn đề sau.
Thứ nhất, cần quy định rõ hoạt động gia công sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc danh mục cũng được áp dụng ưu đãi. Trong quá trình tư vấn, Deloitte Việt Nam nhận thấy nhiều doanh nghiệp gia công đang hiểu Nghị định 111 chỉ áp dụng ưu đãi đối với hoạt động sản xuất, nên gặp nhiều khó khăn trong việc xin xác nhận và áp dụng ưu đãi.
Thứ hai, cần rà soát, đánh giá lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để bổ sung các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mới vào danh mục cần được ưu tiên phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ ba, một số quy định tại Nghị định cần được sửa đổi theo hướng thống nhất với các quy định về đầu tư và thuế. Chẳng hạn, về đối tượng ưu đãi, nên sửa đổi, làm rõ tiêu chí “dự án đầu tư mở rộng với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%” đảm bảo phù hợp với quy định tại luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ tư, xem xét bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ bảo vệ môi trường, hỗ trợ về pháp lý, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng.
Thứ năm, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều kiện ưu đãi mang tính chọn lọc hơn để thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ có chất lượng và hiệu quả, đảm bảo mục tiêu phát triển “xanh” và “sạch” của Chính phủ.
Ví dụ, tiềm năng xuất khẩu, ứng dụng quy trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, chất lượng nguồn nhân lực…
Những thay đổi chính sách theo định hướng trên sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang được thiết kế lại do hậu quả đại dịch Covid-19.
Đó là từ góc độ vĩ mô. Từ góc độ vi mô, bản thân các doanh nghiệp cần phải thay đổi như thế nào để thích ứng sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, thưa bà?
Tôi cho rằng các yêu cầu chặt chẽ hơn về công nghệ, quy trình sản xuất, chất lượng lao động… để được thụ hưởng ưu đãi công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ đem đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát các điều kiện hiện tại để đánh giá khả năng hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ, có kế hoạch hành động để hoàn thiện các điều kiện nhằm gia tăng khả năng đáp ứng.
Đồng thời, doanh nghiệp cần nghiên cứu các thay đổi về chính sách, xem xét ảnh hưởng đến cơ hội hưởng ưu đãi công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp cần thiết, có chiến lược áp dụng ưu đãi công nghiệp hỗ trợ phù hợp.
Các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị chính sách tương ứng cũng cần được phản ánh, đề xuất tới Bộ Công Thương và các hiệp hội doanh nghiệp để chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được sửa đổi, bổ sung kịp thời và có tính thực tiễn cao.
Nguồn: vneconomy.vn