Hiện cả nước có 26.040 hợp tác xã, trong đó có 18.327 hợp tác xã nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể và hợp tác xã đã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp.
Những thông tin trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết 13) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì ngày 19/10/2021.
60% SỐ HỢP TÁC XÃ HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ
TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết ước tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với 3,23 triệu thành viên; 34.871 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 628.000 thành viên. Tổng vốn của các hợp tác xã nông nghiệp hiện khoảng 29.425 tỷ đồng, bình quân mỗi hợp tác xã có vốn điều lệ 1,61 tỷ đồng.
Từ năm 2013 đến nay, số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng gần 800 hợp tác xã, giai đoạn 2017-2021 cao gấp hơn 3 lần giai đoạn trước đó (2012-2016). Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt đã tăng từ 10% (năm 2013) lên trên 60% năm 2020.
Tổng kinh phí được Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước 20 năm qua đạt khoảng 8.180 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ hợp tác xãnông nghiệp tập trung nhiều ở giai đoạn 2013-2021 với khoảng 7.283 tỷ đồng, cao gấp 8 lần giai đoạn trước (2001-2012).
Các địa phương tập trung hỗ trợ chủ yếu vào phát triển kết cấu hạ tầng (1.861 tỷ đồng); hỗ trợ khoa học và công nghệ (1.206 tỷ đồng); tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (1.768 tỷ đồng); đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực (593 tỷ đồng); xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường (255 tỷ đồng); hỗ trợ thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định 98 (1.105 tỷ đồng)…
Tính riêng trong năm 2020, đã có 96% số hợp tác xã được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 56%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Nghị quyết 13 và Luật Hợp tác xã 2012 đã tạo động lực, cơ chế phát triển cho kinh tế tập thể, hợp tác xã theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Đề cập quan điểm phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Nam khẳng định tập trung hơn nữa cho kinh tế tập thể, lấy hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm để có chính sách đầu tư phù hợp; tiếp tục nâng cao năng lực nội tại của hợp tác xã nông nghiệp, phát huy tầm ảnh hưởng của kinh tế tập thể đối với cộng đồng.
Theo đó, Thứ trưởng Nam đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển hợp tác xã nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nhân lực, thu hút cán bộ trẻ đã qua đào tạo vào hợp tác xã; khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là hạ tầng logictics; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể.
ĐIỂM TỰA CỦA KINH TẾ NÔNG THÔN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết trước yêu cầu thực tiễn phát triển, nhất là từ 2016 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, triển khai Nghị quyết 13 và Luật Hợp tác xã 2012 một cách sáng tạo, hiệu quả. Nhờ vậy, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiến bộ cả về lượng và chất; đã khắc phục được những tồn tại kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chính phủ đã bàn đến câu chuyện phục hồi kinh tế sau đại dịch, làm sao nâng cao sự tự chủ của nền kinh tế trong nước, giảm phụ thuộc nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng cần tăng cường sức mạnh nội tại.
“Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp thì cũng cần quan tâm đến kinh tế tập thể và hợp tác xã. Chúng ta quan tâm đến đại bàng nhưng cũng đừng quên những con chim sẻ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.
Nhà nước đầu tư nông nghiệp sẽ không thành công nếu không có hợp tác xã, đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp mà không có hợp tác xã cũng không thành công. Muốn đa dạng hóa sản phẩm kể cả đầu vào và đầu ra thì không có cách nào khác phải có sự tham gia của hợp tác xã.
Cũng như cộng đồng doanh nghiệp, một số lượng đông đảo hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang có những đóng góp quan trọng.
Bộ trưởng tự sự: “Nhìn dòng người di chuyển về quê sau đại dịch có thể thấy, nông thôn là nơi bà con đi và giờ là nơi đón bà con về. Làm sao chúng ta khuấy động lại làng quê để tạo ra điểm tựa cho người dân. Ở đó người dân hợp tác với nhau thông qua đào tạo nghề, phát triển các câu lạc bộ”.
Từ thực tế đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm thực sự đến sự phát triển của hợp tác xã, coi hợp tác xã là một phần không thể tách rời của kinh tế nông thôn. “Chặng đường mới cho hợp tác xã không thể làm qua loa, tại sao tại các nước phát triển, các hợp tác xã vẫn phát triển mạnh mẽ, ở đó hợp tác xã có thể làm du lịch, kéo người dân về làng quê để yêu mến hơn nông nghiệp, nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Khẳng định sẽ theo đuổi mục đích này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cho biết sắp tới sẽ thu hút đầu tư công về hạ tầng logictics cho hợp tác xã để các hợp tác xã nâng cao năng lực và kích hoạt để bà con nông dân kết nối với nhau.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logictics cho ngành nông nghiệp để hạn chế ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng qua những đại dịch, thiên tai, trong đó hợp tác xã sẽ là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Nguồn: vneconomy.vn