Thời điểm này, trong khi nông dân và các trang trại sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ đang gặp nhiều gian khó do đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ, thì nhiều doanh nghiệp nông nghiệp vẫn báo lãi lớn. Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã nằm trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp lớn vẫn không bị đứt gãy…
Các chuỗi giá trị vẫn không bị đứt gãy.
“Những chuỗi giá trị lớn chịu ít tác động hơn trước những biến động của thị trường và xã hội. Do đó, chúng ta cần tập trung củng cố, mở rộng các chuỗi”. Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khi chủ trì cuộc họp giữa thành viên Tổ công tác đặc biệt phía Bắc của Bộ (Tổ Công tác 3430) cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của chế biến, thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt, vào chiều 10/8/2021.
NHIỀU DOANH NGHIỆP TĂNG SẢN LƯỢNG
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco cho biết, hiện mỗi ngày công ty xuất ra hơn 3.000 con lợn, giá xuất chuồng dao động quanh mức 55.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân nhiều địa phương “than thở” họ đang bị lỗ, nhưng với Dabaco vẫn có lãi.
Lý giải về điều này, ông So chia sẻ là do công ty tự sản xuất được con giống, thức ăn chăn nuôi và làm chủ kỹ thuật chăn nuôi, nên giá thành sản xuất thấp. Ngoài ra, Dabaco còn cung ứng ra thị trường 800.000 quả trứng/ngày, và liên tục sản xuất 3 ca để đảm bảo lượng dầu ăn ra thị trường.
Kinh nghiệm của Dabaco là sớm tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động, thực hiện phương án “3 tại chỗ”, chủ động khoanh vùng nguy cơ ở khâu vận chuyển. Công ty cũng chủ động mở nhiều điểm bán hơn so với trước dịch.
“Tập đoàn đang sản xuất theo chuỗi và nhờ phòng dịch từ trước nên không bị tác động bởi giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất rất cần các cơ quan chức năng tháo gỡ vấn đề quan trọng nhất là lưu thông từ sản xuất đến tiêu thụ. Bởi hiện nay, vẫn có tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm việc với ngành giao thông để thống nhất cả nước trong vấn đề lưu thông”, ông So khuyến nghị.
Đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu rau quả của Công ty vẫn diễn ra bình thường. Công ty đã sớm chủ động lường trước mọi khâu trong sản xuất, bao gồm thủ tục “luồng xanh” cho xe vận chuyển hàng, nên không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông.
Hiện Công ty duy trì chế biến từ 400 đến 500 tấn nguyên liệu một ngày, tạo ra 150-180 tấn thành phẩm. Ngoài sản phẩm dứa truyền thống, công ty còn thu mua xoài, ngô ngọt Sơn La, măng Yên Bái, và chanh leo Gia Lai để đa dạng hóa thành phẩm.
Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho hay, nhà máy của công ty sản xuất, chế biến khép kín, cộng với việc áp dụng công nghệ nên không bị động về nhân công. Chia sẻ với khó khăn của người tiêu dùng nên giá cả sản phẩm của doanh nghiệp vẫn giữ ổn định. Hiện mỗi ngày đơn vị cung cấp từ 1,2 – 1,4 triệu quả trứng ra thị trường.
Theo ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, là Công ty chế biến thịt lợn cung cấp cho thị trường Hà Nội, từ khi dịch Covid -19 bùng phát trở lại, Công ty đã tăng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường lên gấp đôi so với thời gian trước.
Những ngày vừa qua, trong khi nhiều đơn vị cung ứng thực phẩm phải ngừng hoạt động do có những ca nhiễm Covid-19, thì Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội vẫn tăng số lượng lên 300 – 400% theo yêu cầu của thành phố và thị trường để phục vụ cho các hệ thống siêu thị tại Hà Nội.
“Công ty đã thực hiện “3 tại chỗ”, 3 ngày thực hiện test Covid-19 một lần cho công nhân và riêng chi phí test, sát khuẩn, bảo hộ với 70 người làm việc đã tốn khoảng 10 triệu đồng/ngày. Hiện doanh nghiệp đang sản xuất hết công suất, lao động làm tăng ca gấp đôi so với bình thường để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại thành phố Hà Nội”, ông Dũng chia sẻ.
“Đơn vị chuyên giao hàng bằng xe chuyên dụng, nhưng nhiều đơn vị khác phải vận chuyển bằng xe máy nên cần tạo “luồng xanh” cho xe vận chuyển thực phẩm., ông Dũngđề xuất, đồng thời kiến nghị, khi cơ quan quản lý nhà nước có chỉ đạo mới thì nên tham vấn ý kiến doanh nghiệp”.
CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH
Tại cuộc họp, đại diện nhiều hợp tác xã lại kêu khó. Ông Lê Việt, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt cho biết, giá cá rô phi của HTX hiện thấp hơn giá thành sản xuất từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Trong khi, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí lưu thông tăng, tiêu thụ khó khăn. Trước đây mỗi ngày HTX bán được 10-15 tấn cá tại chợ cá Yên Sở, nhưng hiện HTX Xuyên Việt chỉ còn tiêu thụ được 3-5 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các cơ sở không nằm trong chuỗi giá trị. Những cơ sở này dễ bị đứt gãy chuỗi sản xuất và bị phụ thuộc vào đối tượng thu gom.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân, trang trại, hợp tác xã thông qua các thủ tục hành chính, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất miễn 100% lệ phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Miễn phí kiểm dịch đối với vật nuôi tại các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh.
Miễn 100% lệ phí cấp chứng thư xuất khẩu, giảm 50% chi phí kiểm tra lô hàng xuất khẩu liên quan đến việc cấp chứng thư xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, nông nghiệp là một trong số ít ngành hàng có xuất siêu, với thặng dư thương mại 3,9 tỷ USD.
Đánh giá cao nỗ lực của những doanh nghiệp như Doveco, Dabaco, Ba Huân…Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, qua hoạt động của các doanh nghiệp lớn cho thấy, các chuỗi sản xuất rất quan trọng.
Về việc các địa phương vẫn có những quy định khác nhau trong lưu thông, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong quá trình thực hiện nảy sinh những mâu thuẫn phát sinh, Bộ sẽ tiếp tục bàn với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ kịp thời. Riêng Hà Nội đã có các kịch bản nếu chợ đầu mối nào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sẽ có những điểm thay thế phù hợp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở, các địa phương, đồng thời yêu cầu Cục Trồng trọt chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; Cục Chăn nuôi thúc đẩy triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi.
Link bài viết: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-lon-trong-nganh-nong-nghiep-khong-khuat-phuc-truoc-dai-dich.htm