TS Phạm Thị Thanh Xuân, đại diện Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế – Luật cho rằng, giảm VAT sẽ tạo động lực cho nền kinh tế sau nhiều tháng bị “nén chặt”.
Với việc TP HCM đang lên kế hoạch mở cửa dần nền kinh tế sau ngày 15/9, Nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế – Luật và Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP HCM đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
TS Phạm Thị Thanh Xuân, giảng viên Đại học Kinh tế – Luật, đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ với VnExpress về những ưu – nhược điểm của giải pháp tài khóa này.
– Vì sao nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất này, nhất là khi đã có nhiều giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai?
– Chúng tôi cho rằng, mỗi gói hỗ trợ sẽ phát huy tác dụng cho một giai đoạn nhất định, cho một số mục tiêu nhất định. Các giải pháp tài khóa đã thực hiện thực sự phát huy được hiệu quả khi triển khai tập trung nhiều vào hỗ trợ nhằm ổn định, ưu tiên đảm bảo dân sinh, sinh kế thời gian qua.
Nhưng đến lúc bàn về giai đoạn “tái thiết”. Cần thiết kế các gói hỗ trợ song song, gối đầu, nhằm mục tiêu cuối cùng là đưa nền kinh tế quay trở lại, ít nhất bằng với năng lực tự nhiên đã có trước đó.
Ở giai đoạn này, kích cầu tiêu dùng là một yếu tố rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế đã chậm lại sau hơn 100 ngày giãn cách ở nhiều cấp độ. Kích cầu thông qua giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng cho người tiêu dùng và giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp sẽ phát huy tốt nhất các lợi ích khi nền kinh tế mở cửa từng bước.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân – giảng viên Đại học Kinh tế – Luật TP HCM. Ảnh nhân vật cung cấp
– Bà và nhóm nghiên cứu kỳ vọng tác động của việc kích cầu này như thế nào?
– Dự kiến nó sẽ mang lại những tác động tích cực ngay trong ngắn hạn. Với người tiêu dùng, tác dụng kích cầu xuất hiện rõ rệt khi giá cả hàng hóa giảm nhờ giảm thuế suất. Giá cả quyết định tâm lý và hành vi tiêu dùng. Giá giảm giúp đẩy tăng mức độ sẵn lòng chi tiêu của người tiêu dùng, thoát dần tâm lý chi tiêu dè dặt trong giai đoạn giãn cách.
Với doanh nghiệp, chính sách này mang lại lợi ích kép. Thứ nhất, giảm thuế suất giúp tăng doanh số bán hàng. Thứ hai, hoãn, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng vào ngân sách giúp doanh nghiệp có thêm một khoản vốn, hỗ trợ thanh khoản trong một thời gian ổn định. Nhìn từ góc độ tài chính, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng mang bản chất là cho phép doanh nghiệp chiếm dụng vốn ngân sách trong một thời gian, có thể theo tháng, theo quý tùy theo hồ sơ kê khai và theo chính sách gia hạn.
Đối với nền kinh tế, việc giảm thuế giá trị gia tăng tạo phản ứng tích cực về tiêu dùng, đầu tư và cung lao động, kéo theo sản lượng gia tăng. Điều này đã quan sát được từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia sau các làn sóng Covid-19 ở năm 2020, tiêu biểu như Đức, Trung Quốc.
Ví dụ, năm 2020, Đức đã giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm. Mức cắt giảm tương ứng từ 19% và 7% xuống còn 16% và 5%. Kết quả là, Hội đồng cố vấn kinh tế Đức chỉ ra rằng GDP năm 2020 đã tăng thêm 0,3 điểm phần trăm nhờ chính sách trên.
– Nhưng “tác dụng phụ” của liều thuốc này là gì?
– Hệ lụy rõ nhất là thu ngân sách bị giảm đi một lượng đáng kể, nhiều áp lực cho ngân sách địa phương. Thuế giá trị gia tăng đóng góp gần một phần tư tổng thu ngân sách nhà nước. Hơn nữa tác dụng của cắt giảm thuế suất chỉ tồn tại trong ngắn hạn và giảm dần theo thời gian.
Thuế luôn là công cụ khó sử dụng, phải có cân nhắc kỹ. Quan sát từ kinh nghiệm thế giới, một số bất lợi đã bộc lộ. Nhiều quốc gia đã không thể nâng thuế suất trở lại mức cũ, mà phải gia hạn thêm thời gian áp dụng chính sách giảm do dịch kéo dài và tái diễn, làn sóng sau nghiêm trọng hơn trước.
Đồng thời, tác dụng kích cầu từ giảm đại trà thuế suất thuế giá trị gia tăng xuất hiện tập trung ở khu vực thu nhập trung bình và cao, chiếm đại bộ phận tiêu dùng trong nền kinh tế. Người có thu nhập thấp đã hưởng lợi sẵn từ việc tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu, vốn đã có thuế suất rất thấp rồi.
Một bất lợi khác biên độ thuế suất để Việt Nam áp dụng giảm không rộng. Thuế suất VAT của phần lớn quốc gia trên thế giới khá cao, trên 15%, trong khi tại Việt Nam là 10% đại trà và 5% cho các mặt hàng thiết yếu, 0% cho nhiều mặt hàng khuyến khích tiêu dùng.
Trong nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4”, nhóm chúng tôi đề xuất 3 phương án giảm VAT để Chính phủ cân nhắc.
Thứ nhất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng không phân biệt lĩnh vực và quy mô kinh doanh, ước tính quy mô gói là 166.000 tỷ đồng. Thứ hai, giảm 30% thuế giá trị gia tăng không phân biệt lĩnh vực và quy mô kinh doanh, ước tính quy mô gói là 100.000 tỷ đồng. Và thứ ba là giảm 30% thuế giá trị gia tăng trừ nhóm ngành ít bị tổn thương như thông tin liên lạc, điện, nước, chứng khoán, ngân hàng – bảo hiểm, với ước tính quy mô gói là 66.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên các bất lợi này nằm trong khả năng kiểm soát nếu chính sách được thiết kế kèm phương án phản ứng cụ thể.
Các cửa hàng trên phố Hàng Đào (Hà Nội) đóng cửa vì thực hiện giãn cách hồi tháng 7. Ảnh: Giang Huy
– Như bà nói, áp lực lên ngân sách là rất lớn khi dùng biện pháp tài khóa này. Vậy kết quả chúng ta đạt được sẽ như thế nào so với sự đánh đổi về mặt giảm ngân sách như vậy?
– Trên cơ sở đánh giá khả năng cân đối ngân sách và đảm bảo tính hiệu quả thực thi, chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính nên ưu tiên phương án không phân biệt lĩnh vực và quy mô kinh doanh với mức giảm 30%. Đồng thời thời gian áp dụng chính sách giảm thuế suất là ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị là tối đa 6 tháng.
Mức giảm thuế suất như thế là đủ lớn để tạo tác động kích cầu. Thời gian 6 tháng là vừa đủ duy trì hiệu ứng kích cầu, cũng vừa vặn trong khả năng cân đối ngân sách. Ước tính mức giảm thu sẽ tương đương 5,25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Nhằm giảm áp lực cho thu ngân sách, một số quốc gia, đã áp dụng giảm thuế chọn lọc, nhưng điều này không hẳn đã phù hợp với Việt Nam. Nếu giảm thuế chọn lọc thì lại làm phát sinh chi phí vận hành quản lý rất lớn. Nếu áp dụng riêng cho các địa phương có dịch, thì tiềm ẩn nguy cơ dịch chuyển thuế theo địa lý, chưa kể các hình thức tránh thuế, trốn thuế khác sẽ nổi lên.
Theo chúng tôi, lợi ích mang lại gián tiếp nhưng có thể lớn hơn nhiều so với phần ngân sách phải hy sinh.
Đơn cử, cầu tiêu dùng tăng trở lại càng sớm thì các hoạt động thương mại, dịch vụ sẽ phục hồi song song, như vậy khu vực tiểu thương và hộ kinh doanh cá thể sẽ tự động phục hồi. Việc này gián tiếp giúp tiết kiệm chi phí hỗ trợ vực dậy hoạt động kinh doanh cho hai nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, khu vực kinh tế “vỉa hè” cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Khu vực này luôn tồn tại, nhỏ nhưng nguồn lợi kinh tế tạo ra là đáng kể. Tổng cục thống kê đã từng công bố, hoạt động từ khu vực kinh doanh cá thể này đóng góp hơn 10% GDP. Việc hỗ trợ trực tiếp cho khu vực kinh tế này là tương đối khó thực thi, nhưng gián tiếp bằng kích cầu lại khả thi và phù hợp.
Như vậy, một chính sách giải được bài toán đa mục tiêu, lợi ích gián tiếp bù đắp được yếu tố chi phí.
– Vậy còn những bất lợi khác, làm sao để giải pháp này đạt được nhiều mục tiêu?
– Để phát huy tác động kép, thiết kế chính sách cần song song áp dụng các biện pháp hỗ trợ: gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; miễn tiền phạt chậm nộp. Các giải pháp này đã thực hiện từ 2020, và đã phát huy tác dụng, rất nên tiếp tục, bổ trợ cho giải pháp chính.
Ngoài ra để rút ngắn tối đa độ trễ chính sách, công tác truyền thông cần được phối hợp song song, nhấn mạnh hai yếu tố: mức giảm thuế suất và thời hạn áp dụng trong ngắn hạn.
Nhìn từ góc độ của tài chính hành vi, người tiêu dùng càng có đủ thông tin thì càng thích ứng nhanh, sớm điều chỉnh hành vi tiêu dùng cá nhân trước khi thuế suất quay trở lại mức cũ. Hai yếu tố này cộng hưởng sẽ đẩy tâm lý người tiêu dùng gia tăng chi tiêu nhanh, nhằm tối ưu hóa lợi ích nhận được từ chính sách giảm thuế.
Sự cộng hưởng sẽ đẩy tâm lý người tiêu dùng tăng chi tiêu nhanh, nhằm tối ưu hóa lợi ích nhận được từ chính sách giảm thuế, và đó là động lực mạnh nhất có thể để tạo sự bứt phá trở lại cho kinh tế.
Nguồn: vnexpress.net