Ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành thương mại điện tử giờ phục vụ hai nhu cầu hàng đầu là bán tạp hóa và góp vui lúc ở nhà cho người dùng.
Theo báo cáo Thương mại điện tử quý II do iPrice công bố, bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì sự tăng trưởng vững chắc và xuyên suốt từ đầu dịch. Điều này cũng lý giải phần nào nhu cầu tìm kiếm cửa hàng bán sản phẩm thiết yếu online tăng mạnh trong những tháng giãn cách xã hội.
Lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý vừa qua. Số lượt tìm kiếm tăng 11 lần trong tháng 7 so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6, khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai tại một số tỉnh, thành phố.
Trong đó, người dân dành sự quan tâm hơn đến thực phẩm tươi sống, thịt cá, đồ uống các loại, thực phẩm đóng gói và rau củ quả khi mức tăng trưởng lần lượt là 99%, 51%, 30% và 11% so với quý I/2021.
Thống kê trong 7 tháng đầu 2021. Dữ liệu và đồ họa: iPrice
“Như vậy, hoạt động giãn cách xã hội có thể là một trong những cú hích làm bùng nổ nhu cầu tìm kiếm cửa hàng bách hóa online, siêu thị online”, nhóm nghiên cứu của iPrice đánh giá và cho rằng, trước nhu cầu này, dòng dịch chuyển lên online của các nhà bán lẻ mặt hàng thiết yếu có lẽ sẽ thêm phần gấp rút.
Thực tế vào đầu tháng 7, thời điểm TP HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 toàn thành, nhu cầu săn hàng tạp hóa của người dân tăng mạnh. Lazada từng ghi nhận bán được 120.000 hộp sữa tươi trong 3 giờ, hay 10.000 trứng gà, vịt trong 12 giờ đầu tiên hôm 7/7. Mới đây, hôm 2/9, Tiki quyết định mở bán hàng tươi sống giao trong 3 giờ tại Hà Nội.
Không chỉ chuyển dịch theo hướng chủ yếu phục vụ nhu cầu săn mua tạp hóa, mùa dịch cũng khiến các nền tảng mua sắm cố gắng trở thành một ứng dụng có tính giải trí hơn để khách hàng tìm vui lúc ở nhà.
Từ tháng 7, Lazada và Shopee đã rầm rộ tổ chức các hoạt động Shoppertainment (hình thức mua sắm kết hợp giải trí). Nắm bắt khả năng ra đường của người dùng ngày càng thu hẹp, hai sàn này tổ chức các chương trình âm nhạc tại gia, tung ra thêm các minigame có thưởng.
Kênh livestream cũng tiếp tục được tận dụng để tăng tương tác vì có độ giải trí và sinh động. Báo cáo quý II của Lazada ghi nhận, mỗi ngày, kênh livestream ghi nhận số lượt xem gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Phía Shopee thì cho biết, trong nửa đầu năm, tổng thời gian người dùng xem Shopee Live tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ.
Tương tự MoMo, một nền tảng thanh toán và mua sắm tổ chức game giải đố xây thành phố giải thưởng 10 tỷ đồng, thu hút được 8 triệu người tham gia sau một tháng. Họ cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, ý tưởng này giúp cuộc sống mọi người có những khoảng thời gian thư giãn và vui vẻ hơn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình tương tự”, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo, tuyên bố.
Xu hướng Shoppertainment vốn đã được dự báo từ sớm là sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn trong bối cảnh biến chủng Delta hoành hành ở Đông Nam Á. Khảo sát hồi tháng 3 với hơn 1.800 người dùng khu vực này cho hay, cứ 3 người thì có 1 người nói rằng họ muốn mua sắm và việc mua sắm khiến họ cảm thấy vui vẻ.
“Năm nay, chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của Shoppertainment – một sự kết hợp giữa sáng tạo nội dung và thương mại điện tử”, Ng Chew Wee, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh TikTok, khu vực Đông Nam Á, đánh giá.
Nhưng việc đổ tiền vào làm nhạc hội, viết game mới, đầu tư livestream nhằm “mua vui” cho người tiêu dùng có thực sự mang lại lợi ích rõ nét? Câu trả lời dường như là có.
Thứ hạng trên bản đồ thương mại điện tử Việt Nam quý II/2021 do iPrice Group và SimilarWeb vừa công bố đã hé lộ thành quả cho người biết nắm bắt trào lưu. Sau nhiều quý liên tiếp bị các đối thủ qua mặt, Lazada Việt Nam vươn lên hạng 2 trong “cuộc đua tứ mã” về lượt truy cập website các sàn thương mại điện tử đa ngành.
Dữ liệu và đồ họa: iPrice
Theo đó, lượt truy cập website trung bình của Lazada tăng 14% so với 3 tháng đầu năm và nhận về 20,4 triệu lượt truy cập. Họ chỉ đứng sau Shopee, với quý thứ 12 dẫn đầu về lượt truy cập website, khi ghi nhận 73 triệu lượt, tăng 9,2 triệu lượt so với quý I. Không ai khác, Lazada và Shopee chính là hai đơn vị hoạt náo nhất trong lĩnh vực Shoppertainment thời gian qua.
Khi ngày hội mua sắm 9/9 gần kề, bộ đôi này cũng tiếp tục phát tín hiệu cho thấy họ đã sẵn sàng tung chiêu mua sắm kết hợp với giải trí và khuyến mại tràn ngập để thu hút người tiêu dùng.
Ngoài công bố ngôi sao Hyun Bin của Hàn Quốc làm đại sứ LazMall Đông Nam Á gần đây, Lazada Việt Nam tiếp tục mở tiệc đại nhạc hội “SuperShow” như họ đã làm liên tục trong các đợt cao điểm khuyến mại thời gian qua vào tối 8/9. Họ cũng tung giải thưởng 10 tỷ cho khách chơi LazGames dịp này.
Ngoài dùng các chiến thuật quen thuộc, tự nhận là “sale điên cuồng”, Shopee cũng đãi tiệc lớn dịp 9/9 tới với chương trình giao lưu cùng huấn luyện viên Park Hang Seo, cầu thủ Vũ Văn Thanh, cầu thủ Nguyễn Tiến Linh; hay đêm hội Hàn Quốc với biểu diễn độc quyền của nhóm nhạc TWICE và Secret Number.
Nửa đầu năm nay, có thể do người dùng ở nhà và làm việc trực tuyến nhiều hơn nên tổng số lượt truy cập vào top 50 website mua sắm hàng đầu Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ lượt, cao nhất từ trước đến nay. Số liệu cũng cho thấy lượt truy cập trong quý II tăng 10% so với quý I, trùng thời điểm với giãn cách xã hội chặt chẽ dần hơn.
Báo cáo gần đây của Facebook và Bain & Company tại thị trường Đông Nam Á cho thấy, doanh số thương mại điện tử của Việt Nam năm 2021 ước tính đạt 12 tỷ USD. Dự báo, con số này sẽ tăng 4,5 lần và đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, quy mô thị trường đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.
Nguồn: vnexpress.net